Hãy chọn Vị trí để bắt đầu:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 418/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ, TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2040
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tại Tờ trình số 640/TTr-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2022 và đề nghị của Bộ Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 30/BC-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040, với những nội dung chính sau:
1. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập điều chỉnh quy hoạch
Phạm vi điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ: gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 22 đơn vị hành chính, bao gồm 13 phường và 9 xã, với diện tích khoảng 11.175 ha. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp thị trấn Phong Châu và xã An Đạo, huyện Phù Ninh;
- Phía Nam giáp sông Hồng;
- Phía Tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao;
- Phía Đông giáp sông Lô.
2. Thời hạn quy hoạch.
Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040.
3. Mục tiêu:
- Cụ thể hóa định hướng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Làm cơ sở cho việc xây dựng thành phố Việt Trì văn minh hiện đại tương xứng là trung tâm tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của vùng phía Bắc thủ đô Hà Nội và của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Xây dựng môi trường bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng;
- Khai thác tốt lợi thế tiềm năng, xây dựng thành phố có kinh tế phát triển nhanh, không gian kiến trúc cảnh quan đẹp, bảo vệ môi trường tạo dựng chất lượng cuộc sống cao cho cư dân thành phố;
- Nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Xây dựng đô thị Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, hiện đại đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cốt lõi, thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, bền vững và hội nhập với khu vực và quốc tế;
- Làm cơ sở pháp lý cho các công tác quản lý xây dựng và triển khai tiếp công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì theo quy hoạch. Tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững lâu dài.
4. Tính chất:
- Là thành phố du lịch văn hóa lịch sử Quốc gia. Nơi lưu giữ những giá trị di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam;
- Là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Phú Thọ. Một trong những trung tâm khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế, văn hóa - thể thao của vùng Trung du miền núi phía Bắc;
- Là đầu mối giao thương và là cực phát triển quan trọng phía Tây Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội;
- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
5. Dự báo phát triển sơ bộ:
- Quy mô dân số: Dự kiến đến năm 2030 khoảng 350.000 người; đến năm 2040 dân số toàn thành phố Việt Trì khoảng 500.000 người.
- Quy mô đất đai phát triển đô thị:
+ Đến năm 2030 đất xây dựng khoảng 6.500 - 7.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 - 4.000 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.500 - 3.000 ha.
+ Đến năm 2040 đất xây dựng khoảng 8.000 - 9.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.200 - 5.000 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 3.500 - 4.000 ha.
(Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch).
6. Những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì:
- Rà soát tổng thể về nội dung Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đã được phê duyệt năm 2015 và đối chiếu, rà soát, đánh giá với tình hình thực tiễn phát triển đô thị. Nghiên cứu các định hướng từ các quy hoạch cấp trên và các biến động mới về phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, xác định các yếu tố mới, những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh;
- Phân tích các động lực mới, dự báo nhu cầu phát triển trong các giai đoạn. Định hướng phát triển cần phải hài hòa với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, du lịch, di tích lịch sử văn hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường tại khu vực;
- Đề xuất các điều chỉnh về cấu trúc đô thị, về phân khu chức năng, về phân bố các trung tâm đô thị; đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại bất cập trong quá trình phát triển của thành phố Việt Trì về hạ tầng kỹ thuật, về sử dụng đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch (tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng của thành phố lễ hội, hình thành bản sắc riêng cho thành phố Việt Trì trên nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên);
- Xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư. Các chương trình và dự án cần có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Việt Trì.
7. Các yêu cầu chính về nội dung hồ sơ quy hoạch
a) Phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển
- Phân tích vị trí, mối quan hệ vùng trong vai trò đô thị cửa ngõ phía Bắc của vùng thủ đô Hà Nội, một trong những đô thị trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trung tâm tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, từ đó liên kết về kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng đến các đô thị như thành phố Thái Nguyên, Yên Bái, Vĩnh Yên, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội;
- Xác định tính chất, chức năng, mô hình phát triển của thành phố Việt Trì trong mối liên hệ với định hướng phát triển của vùng thủ đô Hà Nội, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, các khu vực liên quan đến quy hoạch đê điều, phòng chống lũ hệ thống sông Hồng;
- Phân tích khả năng phát triển mở rộng thành phố Việt Trì trở thành trung tâm phía Bắc của vùng thủ đô Hà Nội, kết nối các đô thị theo trục hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng thành trục đô thị động lực đầu tầu thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh Phú Thọ;
- Xác định các tiềm năng, lợi thế phát triển, các mối quan hệ hợp tác phát triển và xác định các động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của Thành phố.
b) Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng
- Phân tích đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất..., đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa du lịch thành phố Việt Trì và các khu vực phụ cận có ảnh hưởng đến định hướng phát triển thành phố Việt Trì. Đánh giá về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng;
- Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội: Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, thành phố Việt Trì, thực trạng phát triển các ngành, các lĩnh vực chủ yếu; hiện trạng dân cư, lao động;
- Đánh giá hiện trạng sử dụng đất và không gian cảnh quan: Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất khu vực lập quy hoạch (đặc biệt là đất xây dựng đô thị, đất rừng, đất lúa; khu vực bãi bồi có khả năng khai thác sử dụng), đánh giá hiệu quả sử dụng đất và các vấn đề tồn tại về sử dụng đất, cảnh quan không gian cần giải quyết để đáp ứng với yêu cầu phát triển.
- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội (bao gồm nhà ở, công nghiệp, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa, cây xanh - thể dục thể thao): Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội, đặc biệt là điều kiện hạ tầng xã hội tại các khu vực đô thị hiện trạng, khu vực nông thôn đang đô thị hóa để có biện pháp xây dựng bổ sung đáp ứng các điều kiện chất lượng của đô thị loại I;
- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường: Bao gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang... trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cần giải quyết trong đảm bảo nâng cao chất lượng đô thị với tiêu chuẩn đô thị loại I;
- Rà soát các chương trình, dự án, đồ án quy hoạch có liên quan và tình hình thực hiện Quy hoạch chung năm 2015 đến nay. Đánh giá các quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia và các định hướng mới của tỉnh, các mối quan hệ liên vùng (kinh tế, du lịch, bảo tồn di sản, hạ tầng giao thông...) tác động đến quy hoạch phát triển thành phố Việt Trì. Rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan và tình hình thực hiện Quy hoạch chung năm 2015 đến nay; đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị và kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.
c) Dự báo và đề xuất mô hình phát triển
- Xác định tầm nhìn của đô thị Việt Trì trong giai đoạn dài hạn, xác định các mục tiêu phát triển trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2040 hướng tới phát triển bền vững theo mô hình đô thị xanh, thông minh;
- Phân tích và làm rõ các cơ sở, luận cứ khoa học về dự báo dân số; đánh giá hiện trạng, phân tích dự báo dân số, lao động và khách du lịch của vùng thủ đô Hà Nội, vùng Trung du và miền núi phía Bắc và của từng đô thị trong tỉnh Phú Thọ (cơ sở, nguồn thông tin tài liệu xác định sự dịch cư, lượng khách du lịch...) phù hợp với các dự báo quy hoạch ngành;
- Luận cứ lựa chọn các chỉ tiêu quy hoạch về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng theo hướng phát triển đô thị xanh và thông minh. Lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I, áp dụng các chỉ tiêu chất lượng cao để nâng cao chất lượng đô thị, điều kiện sống của người dân và hấp dẫn du khách. Các chỉ tiêu áp dụng phù hợp với điều kiện hiện trạng, tính chất chức năng của từng khu vực, tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01: 2021/BXD.
d) Định hướng phát triển không gian
- Xác định các nguyên tắc phát triển, nguyên tắc thiết kế về định hướng phát triển không gian cho các khu vực đô thị, các vấn đề tuân thủ theo định hướng Quy hoạch chung năm 2015 và các quy hoạch ngành có liên quan;
- Phân tích, đánh giá mô hình phát triển đô thị; lựa chọn phương án phát triển đô thị bền vững đảm bảo khai thác tối đa các lợi thế và không gian chức năng. Trên cơ sở kế thừa tối đa các thành quả phát triển đô thị trong thời gian qua, khắc phục các tồn tại của phát triển đô thị hiện nay, phát triển các động lực mới và hướng tới xây dựng đô thị có bản sắc;
- Điều chỉnh về cấu trúc đô thị đảm bảo khai thác tối đa các lợi thế về cảnh quan tự nhiên, mặt nước (khu vực đồi núi, khu vực ven sông, hồ...) vào trong không gian đô thị kết hợp thoát nước và công viên đô thị để xây dựng hình ảnh "đô thị xanh, hiện đại";
- Cơ cấu phân khu chức năng: Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị gắn với quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội. Xác định và phân bố các đơn vị ở; hệ thống y tế và công trình công cộng; hệ thống thương mại - dịch vụ; hệ thống các khu công viên cây xanh, thể dục thể thao; các khu, cụm công nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng, bến bãi; các khu cơ quan hành chính, trường chuyên nghiệp... và các khu chức năng đặc biệt khác. Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị;
- Định hướng tổ chức không gian tổng thể phải xây dựng hình ảnh đặc trưng thành phố lễ hội, tạo nên không gian lõi đô thị hấp dẫn về du lịch, đảm bảo điều kiện hạ tầng đô thị; gắn kết không gian quần thể di tích Đền Hùng trong không gian bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của tỉnh và của vùng, tạo sự liên kết và có tính bản sắc riêng;
- Định hướng tổ chức không gian và yêu cầu kiểm soát phát triển cho các khu vực chức năng đô thị, các không gian cảnh quan, các khu vực cửa ngõ, các trung tâm đô thị, khu vực di tích Đền Hùng (gắn bảo tồn, tôn tạo di tích với phát triển văn hóa, dịch vụ du lịch, đô thị sinh thái...), vùng nông thôn, vùng ngoài đê sông Hồng, sông Lô và vùng ven đô.
đ) Định hướng quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch:
- Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng và các hạng mục công trình chính theo cấu trúc và phân khu đã lựa chọn;
- Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực nhằm phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát phát triển. Đề xuất điều chỉnh bổ sung thêm hoặc bố trí lại các hạng mục công trình được nghiên cứu theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã phê duyệt nếu cần thiết;
- Xác định quỹ đất phát triển đô thị - dịch vụ gắn với khu vực bảo tồn di tích Đền Hùng, các khu vực địa danh gắn với lịch sử phát triển thành phố, các khu vực bảo tồn tự nhiên, khai thác cảnh quan sông Hồng, sông Lô phục vụ du lịch, đất dự trữ phát triển... trên cơ sở phân bố hài hòa, đảm bảo được cảnh quan và dễ dàng triển khai thực hiện;
- Xác định chức năng sử dụng đất cho các khu vực; xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất; đề xuất kế hoạch sử dụng đất phù hợp với từng giai đoạn phát triển; xác định quỹ đất dự kiến xây dựng phát triển đô thị.
e) Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị:
Xây dựng hình ảnh đô thị văn minh hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cảnh quan sông Hồng sông Lô và các đồi gò, hồ suối trong thành phố phải được khai thác triệt để. Không gian các khu vực đô thị phải đáp ứng mục tiêu xây dựng thành phố Lễ hội - Trung tâm di sản.
- Đề xuất các giải pháp thiết kế đô thị theo quy định như: Phân vùng kiến trúc, cảnh quan, xác định khung thiết kế đô thị tổng thể, tổ chức không gian các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, điểm nhấn trong đô thị, Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước. Đặc biệt quan tâm các khu vực ven sông Hồng, sông Lô;
- Xác định nguyên tắc phát triển, kế thừa đối với từng khu vực đặc thù (Khu di tích Đền Hùng, trục Lễ hội thành phố, vùng cảnh quan ven sông). Khai thác tối đa các đặc trưng địa hình tự nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.
g) Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội:
- Tổ chức mạng lưới trung tâm vùng và đô thị: hệ thống trung tâm hành chính chính trị của tỉnh và thành phố, trung tâm du lịch, trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm dịch vụ công cộng: Văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí và các trung tâm chuyên ngành khác. Xác định vị trí, quy mô, tổ chức hệ thống các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề; các trung tâm hỗ trợ sản xuất công, nông, lâm nghiệp,...; trung tâm thương mại dịch vụ, các chợ đầu mối; trung tâm dịch vụ du lịch;
- Phân bố cơ sở giáo dục, đào tạo - dạy nghề; xác định vị trí và quy mô các chợ đầu mối nông sản (lúa, rau sạch, hoa màu....), trung tâm bán buôn và bán lẻ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm. Xác định vị trí và quy mô các trung tâm thương mại, mô hình chợ tại trung tâm, trung tâm dịch vụ du lịch, công nghiệp; phân bố dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
h) Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
- Chuẩn bị kỹ thuật: Đề xuất các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đề xuất các giải pháp đê, kè chắn chống xói lở, đặc biệt là các vị trí các khu vực ven sông, hồ, chân đồi núi. Khoanh vùng các khu vực cấm hoặc hạn chế xây dựng; đặc biệt xem xét khai thác vùng bãi bồi ven sông Hồng, sông Lô;
- Giao thông: Xác định hệ thống khung hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải của thành phố Việt Trì với mạng lưới giao thông vận tải vùng và quốc gia (đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, QL2,...). Đề xuất các giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa kết nối hợp lý trong thành phố với toàn vùng. Đề xuất và phân loại tuyến đường giao thông đô thị, quy mô và phân cấp các tuyến đường chính, hệ thống bến bãi đỗ xe cho từng khu vực. Nghiên cứu giải pháp quy hoạch giao thông tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đoạn qua trung tâm đô thị với các tuyến đường đô thị (trong giai đoạn đến năm 2030) đảm bảo thuận lợi, an toàn; quy hoạch các nút giao thông khác cốt, hầm chui... Đề xuất mạng lưới và các công trình hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh. Nghiên cứu tăng cường kết nối giao thông vùng và các khu vực kề cận;
- Về quy hoạch cấp nước: Phân tích đánh giá tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp cấp nước và bảo vệ nguồn nước. Xác định tiêu chuẩn và nhu cầu dùng nước trong sản xuất, trong sinh hoạt, dự kiến nguồn cấp, công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp nước, cấp nước chữa cháy và các thông số kỹ thuật;
- Về quy hoạch cấp điện, chiếu sáng: Xác định tiêu chuẩn, nhu cầu sử dụng điện; lựa chọn cân đối nguồn điện; đề xuất giải pháp thiết kế mạng lưới cấp điện, dự kiến các công trình đầu mối cho từng giai đoạn quy hoạch. Tính toán nhu cầu và đề xuất giải pháp cho chiếu sáng thông minh;
- Về quy hoạch thông tin liên lạc: Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động, dự kiến các công trình đầu mối theo từng giai đoạn quy hoạch và mạng lưới truyền dẫn quang đồng bộ theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống viễn thông công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo mô hình đô thị thông minh;
- Về quy hoạch thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn, nghĩa trang: Xác định tiêu chuẩn và dự báo khối lượng thoát nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang. Định hướng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; nghĩa trang và nhà tang lễ trong đô thị.
i) Đánh giá môi trường chiến lược
- Dự báo và đề xuất giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục thiên tai, trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của vùng và các nghiên cứu cụ thể đối với thành phố Việt Trì;
- Dự báo các tác động môi trường từ các hoạt động phát triển đô thị, sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông, công nghiệp... Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm và các yếu tố tác động môi trường trong quá trình xây dựng, chú trọng giải pháp kiểm soát ô nhiễm về môi trường nước với các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo phát triển bền vững.
k) Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện:
Phân kỳ tổ chức thực hiện và xác định mục tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn quy hoạch. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư chủ yếu có ý nghĩa tạo động lực phát triển, đảm bảo phù hợp với dự báo nguồn lực thực hiện.
l) Đề xuất quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt.
8. Yêu cầu về hồ sơ sản phẩm:
Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ về lập thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về nội dung hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và các quy định pháp luật hiện hành.
9. Tổ chức thực hiện:
a) Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Trách nhiệm các cơ quan liên quan:
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;
- Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng;
- Cơ quan trình duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ;
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì;
- Cơ quan lập quy hoạch: Đơn vị tư vấn có năng lực hoạt động phù hợp, được lựa chọn theo quy định pháp luật.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập quy hoạch và chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040 theo quy định pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG
|
Quyết định số 418/QĐ-TTg
Các mô hình kinh doanh quán cafe hiện nay ngày một đa dạng và...
Với những nguyên liệu tuyển chọn cùng công thức độc đáo...
Nếu bạn đang tìm kiếm một ảnh viện áo cưới thì Caro Studio...
Các loại trà sữa thơm ngon chuẩn vị, menu đa dạng, giá cả...
Quán ăn Hàn Quốc Kimbap Kolynk là nơi bạn không nên bỏ lỡ khi...
Bún đậu mắm tôm Việt Trì là món ăn đơn giản, nhưng vô cùng...
Cháo ăn dặm cho bé 6 tháng Kyo Dashi là một trong các thương hiệt...
Mách bạn quán trà sữa trân châu Việt Trì làm “gục ngã” bao...
Hiện nay, máy giặt cũ đều được vệ sinh, kiểm định chất...
Bài viết chia sẻ các giải pháp kinh doanh hiệu quả trên appfood...